Năm 2025, Trung tâm
Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với NPAP, Quỹ Plastic Free
(PFF), Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu triển khai các
hoạt động Chương trình “Hợp tác vì Thay đổi: Trao quyền cho hành động cộng đồng
vì một tương lai không rác thải nhựa”. Đây là một chương trình có ý nghĩa thiết
thực nhằm tăng cường công tác truyền thông, thay đổi hành vi giảm rác thải nhựa
sử dụng một lần với thông điệp “Tháng 7 không nhựa sử dụng một lần”.
“Tháng 7 không nhựa sử
dụng một lần” là tên một chiến dịch do quỹ Free Plastic sáng lập với mục tiêu
tuyên truyền việc hạn chế, tiến tới nói không với rác thải nhựa. Thông điệp của
chiến dịch sẽ nhấn mạnh vào việc giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách từ chối sử
dụng nhựa dùng một lần, khuyến khích người tiêu dùng giảm sử dụng túi nilon,
thúc đẩy các giải pháp thân thiện với môi trường trên toàn thế giới.
Theo thống kê của Viện
Quan sát thế giới (Worldwatch Institute), ước tính từ năm 2002, mỗi năm thế giới
có khoảng 5.000 tỷ túi nylon được sản xuất và một lượng lớn được sử dụng, sau
đó thải bỏ ra môi trường. Cộng đồng quốc tế và chính phủ các quốc gia ngày càng
nhận ra tác hại khôn lường của rác thải nhựa đối với môi trường sống, ảnh hưởng
đến các sinh vật; đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề đến sức khỏe của con
người.
Tại Việt Nam, theo Bộ
Nông nghiệp và Môi trường, mỗi năm cả nước thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa,
trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi ni-lông. Trung bình, mỗi hộ gia đình Việt Nam
sử dụng khoảng 1 kg túi ni-lông mỗi tháng; hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi
dùng một lần. Thực tế này cho thấy, túi ni-lông và các sản phẩm nhựa sử dụng một
lần vốn được xem là tiện lợi, nhưng đã và đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng
đến môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe cộng đồng. Do đó giảm thiểu sử dụng
túi ni-lông, phân loại rác đúng cách và thay đổi hành vi tiêu dùng là những
hành động thiết thực, cấp thiết và mang tính lâu dài.
Có thể nhận thấy, túi
nylon và các sản phẩm nhựa dùng một lần vẫn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu, đáp ứng
công năng bao gói, chứa đựng hàng hóa và giá thành sản xuất rẻ. Thói quen này
có thể đem lại sự tiện lợi cho con người trong một khoảng thời gian ngắn nhưng
để lại hậu quả lâu dài đối với môi trường. Một túi nylon phải mất 500-1.000 năm
mới phân hủy hoàn toàn. Đặc biệt, chất thải nhựa nylon nếu ở ngoài môi trường
khi đốt sẽ tạo ra khí thải độc hại, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng
trực tiếp đến sức khỏe con người. Một số quốc gia thậm chí đã cấm cung cấp miễn
phí túi nylon cho khách hàng hoặc cấm sử dụng túi nylon ở một số địa điểm.
Cùng với nhiều quốc gia
trên thế giới, Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải
nhựa và túi nylon. Luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định rõ về trách nhiệm tái
chế, trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất và quy định về giảm thiểu,
tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa
đại dương.
Tại
Quyết định 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án
tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Đề án góp phần thực hiện
thành công chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025,
tầm nhìn đến năm 2050; góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với định
hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy, tăng
cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa…

Đề án hướng tới 3 mục
tiêu cụ thể. Đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải
nhựa, sản xuất và tiêu thụ túi nylon khó phân hủy sử dụng trong sinh hoạt, sản
phẩm nhựa dùng một lần sử dụng trong sinh hoạt. Phấn đấu đến năm 2025, sử dụng
100% túi nylon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại,
siêu thị; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa
phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100%
các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi
nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng
túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Đề án
cũng hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp,
cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi
nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Để triển khai có hiệu
quả Chương trình “Tháng 7 không nhựa sử dụng một lần”, Ban Biên tập trân trọng đề nghị Quý độc giả cùng tham gia
hưởng ứng hoạt động tuyên truyền về Chương trình “Tháng 7 không nhựa sử dụng một
lần”, với các hoạt động cụ thể thiết thực:
- Chia sẻ thông điệp
tuyên truyền, phổ biến, đăng tải các tài liệu truyền thông, khuyến khích người
dân, cộng đồng, xã hội tham gia và thực hiện Cam kết không nhựa thông qua các
phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, trang cá nhân.
- Chia sẻ, giới thiệu
các câu chuyện, điển hình của người dân, cộng đồng, tổ chức, đơn vị thực hiện
các hoạt động giảm rác thải nhựa tại Việt Nam có tác động, giải pháp thực tế từ
Việt Nam (hình ảnh, video, câu chuyện…).